Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Bỏ phố về vườn – Cỏ hoa lãng mạn và sỏi đá chông gai – Kỳ 5: Qua Israel, học làm nông dân
03/02/2023
TTO – Moshav farm là tên một nông trại rộng gần 60 hecta ở Khánh Hòa. Nông trại được xây dựng từ cảm hứng của những ngôi làng quần cư trong vùng nông nghiệp khép kín của người Do Thái tại Israel.
Muốn làm nông: hãy vào đại học
Nguyễn Tá Đông (32 tuổi, quê Đắk Lắk), Nguyễn Mạnh Tiến (26 tuổi, quê Nghệ An), Trương Hoàng Nam (26 tuổi, quê Đồng Tháp) và Phạm Minh Thông (25 tuổi, quê Bến Tre) là bốn chàng cử nhân đại học đã hùn vốn mở nông trại này.
Đông cho biết mình cùng các cộng sự trẻ đều học hành bài bản trong các trường đại học. Đông tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại thương, Nam học công nghệ thực phẩm, Tiến học marketing, còn Thông là cử nhân tài chính.
Khi ra trường, Đông được một doanh nghiệp chuyên về logistics tuyển vào làm việc với lương khởi điểm gần 20 triệu đồng, nhưng những thôi thúc về nông nghiệp đã lôi kéo chàng trai này chuyển hướng.
Đầu năm 2016, Đông kết nối được một nhóm chuyên gia tại Israel và dành hết tiền tích cóp được để làm lộ phí lên đường qua cường quốc nông nghiệp về chinh phục tự nhiên này. Từ Israel, câu chuyện của Đông kể cũng làm Tiến, Nam, Thông say mê. Tốt nghiệp đại học, họ quyết định lên đường tới chỗ Đông đang theo học để khởi động cho dự án nông nghiệp trong tương lai.
“Ở Israel chúng tôi học được giá trị của sự cần cù, nhẫn nại và làm việc không biết mệt mỏi. Chúng tôi đã tự mình lý giải được vì sao người ở đây lại giỏi và thành công đến như vậy. Chúng tôi lầm lũi trầm mình từ sáng tới tối trong những nhà kính y hệt như những lò xông hơi khổng lồ. Mùa hè thì nắng cháy da thịt và tới mùa đông thì lạnh như cắt” – Nguyễn Tá Đông kể.
Là những người trẻ xuất thân từ nông thôn, nhóm Đông nói rằng một khi đã chọn bỏ thành phố để quay về với đồng ruộng thì phải xác định đó là chuyện rất lớn, đối diện với những thất bại. Nông nghiệp không dành cho những ý tưởng lãng mạn theo kiểu “bỏ phố về quê trồng rau và nuôi cá”.
Nông nghiệp là một cuộc chinh phục tự nhiên khốc liệt mà ở đó chỉ có kiến thức đủ dày và tận tâm mới có thể thành công.
Vườn “Do Thái” trên vùng khô cháy
Sau khóa học ở Israel, Đông về nước. Các thành viên còn lại tiếp tục học. Cả nhóm hẹn nhau sẽ “hội quân” ở một nông trang nào đó mà Đông sẽ tự tay đi tìm. Một buổi chiều, sau nửa tháng ăn bờ ngủ bụi khắp các vùng quê, Đông đặt chân đến thung lũng Suối Mơ, thuộc xã Ninh Thượng – một xã vùng cao của huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Chứng kiến những dải đất trơ trọi khô khốc, Đông nghĩ đến cánh đồng mà mình đã lăn lộn ở Israel. Đông quyết định chọn mảnh đất này và lấy cái tên thật đẹp, thật “Do Thái”: Moshav farm. “Moshav là từ gốc tiếng Do Thái, nghĩa là một làng nông nghiệp mà xung quanh có rất nhiều trang trại.
Các chủ trang trại sẽ có gia đình và họ ở trong một khu tập trung, có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cho việc làm nông nghiệp. Trang trại cũng có cửa hàng vật tư, có trường học cho con em đến trường, khu vui chơi, thể thao, sinh hoạt cộng đồng, shop giới thiệu và bán các mặt hàng tại chỗ…” – Đông giải thích.
Moshav farm ban đầu có diện tích 10 hecta. Một bản thiết kế về farm cũng được lên chi tiết. Ở Ninh Thượng, một mình Đông xoay xở hết việc để farm chóng thành hình hài. Một thời gian sau, các thành viên trong nhóm cũng học xong và về phụ Đông.
Nguyễn Mạnh Tiến nói rằng do nằm trên vùng khô, khí hậu khắc nghiệt nên việc trồng cây là không đơn giản. Công việc cải tạo đất, bố trí nước, quy hoạch farm mất rất nhiều chi phí và kỳ công. Số vốn ban đầu tích lũy của nhóm cứ cạn dần, nhưng mọi thứ vẫn trong dự lường, vì những gì nhóm làm đều đã được trải nghiệm thực tế khắc nghiệt ở Israel.
Từ vùng đất bị bỏ hoang, chỉ một thời gian sau khu vực nơi mở farm của cả nhóm đã bao phủ màu xanh. Những khóm xoài, nhãn, bưởi, mít, nho… nhú lên dưới lớp cát. Cỏ dại mọc lên, các thảm thực vật sinh sôi kéo theo sự hình thành của một vùng xanh nơi mầm sống trồi lên mạnh mẽ.
Đông, Thông, Tiến, Nam quyết định nuôi thêm dê, gà, đà điểu, thậm chí cả những hươu, nai… Nhưng gây ngỡ ngàng nhất cho chính quyền địa phương lẫn chủ đất cũ là những vườn nho trĩu quả và sự sinh sôi tới kinh ngạc của từng đàn cừu.
“Vùng đất này chưa từng ai trồng được nho và nuôi được cừu. Nhưng chúng tôi hiểu rằng con người có thể chinh phục được tự nhiên nếu biết cách. Chúng tôi áp dụng cách làm tương tự ở Israel và thấy cây nho phát triển rất tốt, số cừu nuôi thì khỏe mạnh, nhân đàn nhanh” – Trương Hoàng Nam nói.
Từ 10 hecta ban đầu, tới nay một nông trang rộng gần 60 hecta ngút ngàn màu xanh và đủ thứ cây trái, vật nuôi khiến nhiều người phải “no mắt”. Không ai nghĩ chủ nhân nông trại theo phong cách Do Thái này lại do những người trẻ tuổi 9X gầy dựng.
Đông cho biết không dừng lại ở việc thu hoạch cây trái, chăn nuôi, mà Moshav farm còn nghĩ đến chuyện lớn hơn: khai thác tối đa mọi giá trị trên cùng một mảnh đất.
“Chúng tôi liên kết với một số trường đại học và các chuyên gia nông nghiệp trên thế giới thông qua Tổ chức PUM (Hà Lan) để trồng thật nhiều cây trái, làm du khách thích thú khi tới. Đây là cách mà tôi đã học được ở Israel.
Farm cũng thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau để chuyển giao cho người dân bản địa. Đồng thời thu mua lại sản phẩm để họ có thu nhập, có việc làm ngay tại chính quê hương, nơi trước giờ nếu không phải đối mặt với được mùa mất giá thì những thanh niên trẻ cũng phải rời quê lên phố kiếm việc làm, tạo sự bất cân đối việc làm, thu nhập giữa thành thị và nông thôn” – Đông chia sẻ.
Bán hàng bằng cách “rao trứng trước khi gà cục tác”
Nguyễn Tá Đông cho biết trang trại của anh cùng cộng sự đã thiết lập mạng lưới bán hàng bài bản, công phu. Nếu như tư duy sản xuất thông thường lâu nay là làm ra sản phẩm rồi mới đi tìm đầu ra thì nhóm Đông làm ngược lại: đi rao trứng trước khi con gà cục tác.
Đông tìm đến các đầu mối lớn và giới thiệu kế hoạch sản xuất, cam kết quy trình và chất lượng sản phẩm để thuyết phục họ. Khi đã nhận được cái gật đầu, việc còn lại là tổ chức sản xuất, làm ra sản phẩm với tiêu chuẩn cao nhất.
“Lâu nay nông dân Việt Nam thường trồng cây, chăn nuôi ồ ạt rồi khi có sản phẩm mới đi tìm nơi để bán. Làm như thế sẽ luôn bán hàng ở thế bị động, dễ bị ép, nguyên nhân của tình trạng được mùa mất giá. Chúng tôi muốn thay đổi và chọn cách bán hàng chủ động” – Nguyễn Tá Đông nói.
Đông cho biết thêm những sản phẩm ban đầu của farm làm ra được gửi bạn bè, đối tác, các kênh phân phối thử và cảm nhận. Chính chất lượng đã quyết định đầu ra cho farm. Anh cũng tổ chức đội ngũ marketing giới thiệu sản phẩm hùng hậu, sản xuất các clip, viết content, đăng tin bài lên website và biến Facebook thành một công cụ bán hàng hữu hiệu…
Sau thời gian gầy dựng, Moshav farm của nhóm Đông đã hoạt động ổn định, đạt doanh thu bình quân 1 tỉ đồng/năm. Ngoài 15 lao động địa phương được mời vào làm việc, học cách làm nông nghiệp, farm cũng nhận gần 20 bạn trẻ khác học hành bài bản có mong muốn “hồi hương”, vực dậy ruộng đồng hoang hóa.
Các tin khác
- Giấm Mật Hoa Dừa: Lợi Ích Tuyệt Vời Bạn Chưa Biết
- Hương Vị Đặc Trưng Của Cà Phê Măng Đen Blend Đầy Mê Hoặc
- Nước Mắm Vịnh Vân Phong, Số 1 Hương Vị Tinh Túy Từ Biển
- Công Dụng Tuyệt Vời Của Nấm Linh Chi Sấy Khô
- Cà Gai Leo: Thần Dược Tự Nhiên Chữa Bệnh Gan
- Nước Tương Mật Hoa Dừa – Hương Vị Sạch Và Lành
- Bí Mật Cà Phê Muối: Thức Uống Độc Đáo Bạn Phải Thử
- Dầu Gió Bạc Hà – Bí Quyết Chữa Đau Đầu, Cảm Lạnh
- Cà Phê Loving: Hương Vị Độc Đáo Cho Người Yêu Cà Phê
- Hiểm Họa Đột Quỵ: Nhận Biết Dấu Hiệu và Phòng Ngừa Đúng Cách
- Ăn Phở Loving Thuần Chay Giàu Dinh Dưỡng
- Bỏ phố về vườn – Cỏ hoa lãng mạn và sỏi đá chông gai – Kỳ 5: Qua Israel, học làm nông dân
- Bí Quyết Pha Cà Phê Phin Ngon: Hương Vị Đậm Đà, Chuẩn Gu
- 6 Công Dụng Của Nước Râu Ngô Cho Sức Khỏe Toàn Diện